Hỏi & Đáp


  

Bí quyết đạt 4.0 khi đi du học Mỹ.

 

Du học và mong muốn đạt điểm cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của du học sinh và phụ huynh.

 

Quyết định đi du học không dễ dàng và kể cả khi có visa, đặt chân đến vùng đất mới các bạn học sinh sẽ khó tránh khỏi sự ngỡ ngàng cũng như lóng ngóng trước một dất nước Hoa Kỳ giàu mạnh bậc nhất thế giới.

Việc học đã khó, việc phải học các môn bằng tiếng Anh khi đi du học lại càng khó và để đạt 4.0 cho 4 năm liền du học tại Mỹ là điều còn khó hơn nữa. Ấy vậy mà , DHS Nguyễn Quang Huy đã làm được điều không tưởng đó và bật mí thêm là bạn còn phải đi làm vất vả để trng trải chi phí học tập, giúp đỡ phần chi phí cho gia đình.

 

Chúng tôi có liên hệ với Huy để làm bài phỏng vấn ngắn về Câu chuyện của em và có lời nhờ em chia sẻ BÍ QUYẾT đạt điểm 4.0 khi đi du học Mỹ.

 Nguyễn Quang Huy, Đang du học tại trường Texas A & M University tại thành phố San Antonio , tiểu bang Texas. Huy hiện đang theo học chương trình Thạc Sỹ chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh ( MBA) .

 

Chào Huy, cảm ơn Huy đã tham gia buổi trò chuyện này.

 

Xin chào các bạn,

Hôm nay Huy rất vui vì có cơ hội được gặp lại các bạn trên diễn đàn du học và cùng với Đại Thiên Sơn chia sẻ những bí quyết của cá nhân mình về việc học tập cũng như các tips để đạt được kết quả tốt nhất có  thể tại các trường đại học công lập Mỹ.

 

Câu hỏi 1: Các bí quyết để đạt điểm cao khi du học của bạn là gì ?

 

Thật ra thì mỗi bạn sinh viên sẽ có một phong cách học tập khác nhau phù hợp với trình độ và cách phân bổ thời gian của mỗi người. Để đạt được kết quả học tập cao trong các khoá học thường phải kết hợp các yếu tố khác nhau như chuyên cần lên lớp mỗi tuần, siêng năng làm bài tập hay các bài nghiên cứu đầy đủ và nộp đúng hạn quy định, ôn tập kĩ trước mỗi kì thi giữa khoá và cuối khoá. Đó là các mẫu số chung gần như là giống nhau tuyệt đối mà Huy thấy hầu hết các bạn sinh viên có kết quả tốt nghiệp cao đều thực hiện theo. Đối với cá nhân mình, sau nhiều năm học tập tại Mỹ, Huy có thu thập thêm những bí quyết riêng bỏ túi khác ngoài những kĩ năng trên để nâng cao kết quả học tập của mình ở mức cao nhất có thể.

 

Câu hỏi 2: Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm khác của cá nhân mình ?

 

 

 

 

1- Syllabus

Điều mà Huy lưu tâm đặc biệt đầu tiên trong các chiến lược học tập của mình đó chính là nghiên cứu thật kĩ các Syllabus (chương trình học) ở mỗi đầu khoá học. Thường thì ở mỗi buổi giảng đầu tiên, các giáo viên thường dành nửa buổi hoặc có khi nguyên cả buổi giảng để phân tích và chia sẻ những nội dung trong Syllabus cho các sinh viên. Điều này rất quan trọng vì các bạn có thể nắm bắt được tổng quát nội dung của khoá học, cũng như điểm học phần, các ngày thi, và các deadline quan trọng từ đầu tới cuối mùa học.

Trong Syllabus của mỗi khoá học sẽ có quy định về các điểm bộ phận để các sinh viên có thể dựa vào đó và ước tính điểm số hiện tại cuối khoá của mỗi người. Các yêu cầu về bài thi, bài nghiên cứu hoặc các bài thảo luận nhóm cũng sẽ được giáo viên liệt kê rất chi tiết trong Syllabus. Bên cạnh đó, các bài tập cộng điểm (Extra Credit) nếu có cũng sẽ được giáo viên đề cập trong các Syllabus để sinh viên có cơ hội nâng cao thêm điểm cho các bài kiểm tra giữa kì và cuối khoá. Vì vậy đây là vấn đề đầu tiên mà Huy đặc biệt khuyên các bạn sinh viên lưu ý nếu muốn lấy được các điểm số cao trong các môn học.

 

2- Make a good friend

            Còn gì tuyệt vời hơn nếu chúng ta có khả năng kết bạn với một hoặc hai người trong cùng lớp ở mỗi khoá học để cùng nhau chia sẻ và tìm hiểu các vấn đề trong bài giảng trên lớp, các bài tập về nhà hay các bài nghiên cứu thảo luận. Hơn nữa, kết giao với các bạn cùng lớp cũng sẽ có nhiều thứ hay ho tích cực lắm. Việc học nhóm cũng là một phương pháp để các bạn tự hoàn thiện bản thân và khả năng của mỗi người hơn. Chúng ta sẽ học tập ít nhiều từ các tư duy của những bạn sinh viên Mỹ, cách các bạn ấy hành văn trong mỗi bài tập hay các bài nghiên cứu để có thể tự mình đút kết được những kĩ năng đọc và viết của người Mỹ, xem nó có khác gì so với kiểu của tụi Việt Nam mình hay dùng không. Chắc chắn là có !

Ví dụ nhé, ngày xưa mỗi lần trả lời câu hỏi Huy rất hay sợ câu trả lời của mình ngắn ngủn hay cộc lốc nên hay cố ghi lan man cho dài ra thêm một hai câu. Nhưng khi được xem câu trả lời của các bạn sinh viên khác, mình thấy họ trả lời ngay vào vấn đề, có ghi chỉ bao gồm vỏn vẹn 4 chữ thôi nhưng vẫn được điểm số tối đa. Từ đó Huy rút ra kinh nghiệm rằng giáo viên Mỹ họ chỉ muốn có câu trả lời nhanh gọn thẳng vào vấn đề, chứ không muốn lòng vòng quanh co. Vì thế sau này Huy đã điều chỉnh được cách hành văn khi trả lời câu hỏi hay viết các đề tài nghiên cứu khác. Đó chỉ là một bài học nhỏ nhỏ trong số rất nhiều những thứ hay ho khác mà Huy học được từ các bạn sinh viên chung lớp. Nhưng nhớ một điều là, phải kết bạn một cách chân thành dạng như chia sẻ chứ đừng lúc nào cũng khư khư chuyện điểm số hay học hành với các bạn sinh viên khác. Họ sẽ nghĩ mình đang lợi dụng họ vì một mục đích nào đó.

 

3- Make a good connection with Professors.

Giáo viên Mỹ họ cực kì dễ thương và nhiệt tình khi giúp đỡ các sinh viên hiểu thêm về những chi tiết mà họ chưa hiểu trong lớp, cũng như giải quyết các vấn đề cá nhân khác của sinh viên. Trong mỗi Syllabus sẽ có ghi cách mà các giáo viên muốn sinh viên liên lạc với mình, có người muốn qua email, office phone hay thậm chí là số Cell phone để tiện liên lạc trong các trường hợp cần thiết. Các bạn đừng ngại khi phải liên lạc với giáo viên khi gặp các khó khăn về bài giảng hay các tài liệu ôn tập trước mỗi kì kiểm trả. Huy tin chắc là các giáo viên sẽ rất vui khi các sinh viên hỏi về những việc liên quan tới chương trình học. Vì điều ấy với họ là các sinh viên này rất nghiêm túc và đặt rất nhiều tâm huyết cho lớp học và có trách nhiệm với kết quả học tập của mình.

            Có lần Huy phải về Việt Nam có công việc cá nhân, nên không thể tham gia các kì thi giữa khoá của cả 3 lớp học. Huy rất lo lắng vì sợ chuyến đi sẽ ảnh hưởng tới việc thi cử của mình, nên Huy email cho cả 3 giáo viên và xin một cuộc hẹn ở văn phòng để gặp họ và tìm cách giải quyết. Các bạn biết không? Kết quả là có 1 giáo viên cho Huy cả tài liệu ôn tập cho kì thi giữa khoá trước để tự ôn ở nhà và làm bài thi trước ngày Huy về Viêt Nam, còn 2 giáo viên kia thì gia hạn tới lúc Huy qua lại Mỹ thì họ sẽ cho làm một bài kiểm tra khác để bù lại. Vì vậy, khi gặp bất kì vấn đề gì liên quan tới môn học, đừng bao giờ ngại ngùng khi liên lạc với các giáo viên để tìm sự giúp đỡ. Họ luôn sẵn lòng với những sinh viên nghiêm túc với việc học và điểm số của mình. 

 

4- Don’t skip the class | Don’t skip the Extra credit.

            Việc bỏ lớp hoặc nghỉ học là điều Huy không khuyến khích các bạn sinh viên khác làm nếu muốn đạt được kết quả cao trong các kì kiểm tra. Ngoài các tài liệu và thông tin mà giáo viên yêu cầu các sinh viên phải ôn tập, có rất nhiều kiến thức và các câu chuyện mà các bạn sẽ học được từ những bài giảng trên lớp cũng như các câu chuyện mà giáo viên kể cho sinh viên trong các buổi giảng. Trong đó đôi khi cũng có các kinh nghiệm và bài học thực tiễn mà các giáo viên rất muốn chia sẻ lại cho các sinh viên của mình. Vì vậy, Huy khuyên các bạn nên đi học chuyên cần, lắng nghe các chia sẻ của giáo viên, ghi chú lại rồi để tới cuối khoá trước khi thi lấy ra đọc lại.

            Bên cạnh đó, đừng bỏ lỡ các cơ hội làm Extra Credit, vì các bài làm này sẽ được cộng thêm vào các điểm kiểm tra giữa kì hoặc cuối kì. Các bạn sinh viên khác thì thường không muốn làm các bài tập kiểu này vì họ tốn thời gian và họ không nghĩ vài ba điểm đó là cần thiết. Nhưng với các bạn mong muốn đạt kết quả cao nhất thì đừng bao giờ bỏ lỡ các cơ hội này. Vì chỉ cần với 0.5 điểm cộng thôi cũng sẽ biến điểm số các bạn từ B sang A rồi đấy. Hơn nữa, việc làm các bài tập cộng điểm sẽ giúp chúng ta củng cố được các kiến thức cần thiết cho các bài kiểm tra sau này.

 

Câu hỏi 3: Theo Huy, điều gì là khó nhất trong việc đạt được kết quả GPA 4.0 của mình?

 

Theo cá nhân Huy, ngôn ngữ vẫn là thứ rào cản chưa bao giờ nhỏ cho các bạn sinh viên du học mới tới Mỹ, hay thậm chí là đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ như Huy. Việc đọc sách và các bài nghiên cứu trên mạng lâu lâu vẫn gây hoang mang nhẹ cho Huy khi phải đọc quá nhiều chi tiết và tài liệu bằng tiếng Anh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Để viết được những trang bài tập nghiên cứu của mình, sinh viên thường phải vào thư viện online của trường hoặc các kho dữ liệu khác để tìm hiểu các thông tin, sau đó phân tích và tổng hợp các tài liệu lại rồi mới lựa chọn các chi tiết đưa vào các bài làm của mình.  Vì vậy, đôi khi bóc trúng những đề tài nghiên cứu quá trừ tượng hoặc có phạm vi quá rộng cũng làm Huy hơi bận tâm về kết quả đánh giá của giáo viên về bài luận của mình.

 

Câu hỏi 4: Việc đạt được điểm GPA tối đa 4.0 và Tốt Nghiệp thủ khoa có ý nghĩa gì với Huy ?

            Để đạt được điểm GPA 4.0 khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên bắt buộc phải đạt được điểm cuối khoá là A hoặc A+ (tuỳ theo hệ thống trường) cho tất cả các lớp học trong chương trình 4 năm đại học ( khoảng 40 lớp). Nếu trong thời gian đó, các bạn có một hay hai điểm B hoặc C thì điểm GPA cuối khoá sẽ không còn được tròn trĩnh là 4.0 nữa, mà sẽ nhảy xuống còn 3.97 hoặc 3.98. Vì vậy, để có được kết quả tốt nghiệp thủ khoa là cả một quá trình học tập và nghiên cứu rất nghiêm túc của Huy từ những năm tháng đầu tiên khi đến Mỹ cho tới hôm nay.

            Có rất nhiều bạn cho rằng điểm số không quan trọng, hay học điểm nào rồi khi ra trường cũng sẽ có cùng một tấm bằng mà thôi. Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi khi xét duyệt các đơn xin học bổng hay xét tuyển sinh thạc sĩ vào các trường nổi tiếng ở Mỹ, thì điểm số GPA luôn được các nhà tuyển sinh và hội đồng xét duyệt học bổng đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, đồng ý là điểm số không phải là vấn đề mà mọi sinh viên lúc nào cũng quan tâm, nhưng thử nghĩ nếu khi tốt nghiệp chúng ta được nằm trong  danh sách Top sinh viên danh dự ( Honor Student) có thành tích tốt nghiệp xuất sắc thì cột mốc GPA 4.0 sẽ là cái mục đích mà các du học sinh nên hướng đến đúng không nào ?
 

 

Đăng Ký Tư Vấn Trực Tuyến

/
Tôi đồng ý nhận mail của Đại Thiên Sơn

Sự kiện sắp diễn ra

Chia sẻ của du học sinh


Bí quyết đạt 4.0 khi đi du học Mỹ.

 Quyết định đi du học không dễ dàng và kể cả khi có visa, đặt chân đến vùng đất mới các bạn học sinh sẽ khó tránh khỏi sự ngỡ ngàng cũng như lóng ngóng trước một dất nước Hoa Kỳ giàu mạnh bậc nhất thế giới.

 Việc học đã khó, việc phải học các môn bằng tiếng Anh khi đi du học lại càng khó và để đạt 4.0 cho 4 năm liền du học tại Mỹ là điều còn khó hơn nữa. Ấy vậy mà , DHS Nguyễn Quang Huy đã làm được điều không tưởng đó và bật mí thêm là bạn còn phải đi làm vất vả để trng trải chi phí học tập, giúp đỡ phần chi phí cho gia đình.