Trường tôi học hôm nay bỗng dưng đông sinh viên đến lạ kì, chắc có lẽ vì hôm nay nơi đây có một buổi nói chuyện của ngài Thị Trưởng thành phố. Trùng hợp, tôi vừa nhận được email thông báo của ông giáo sư lớp Kế toán rằng hôm nay lớp học sẽ được nghỉ vì ông phải đi dự một cuộc họp quan trọng ở City Hall. Thế là tôi lại có thời gian để đi một vòng khuôn viên ngôi trường tôi đang học và để ôn lại những ngày tháng đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này. Tôi lặng lẽ đi bộ đến bến đỗ xe bus, tìm lại băng ghế nơi mà cách đây hơn 2 năm về trước, tôi vẫn thường ngồi, và chờ chuyến xe số 64 để về nhà. Mọi thứ trong tôi cứ mới như là ngày hôm qua, vậy mà tôi lại sắp hoàn thành xong mùa học cuối cùng trong chương trình học của mình ở nơi đây rồi.
Trong những cảm xúc nguệch ngoạc của mình, tôi lại nhớ về những ngày đầu khi phải lên xuống làm hồ sơ xin chuyển trường từ một thành phố khác về đây. Bao nhiêu là khó khăn, bao nhiêu là trở ngại vì những thủ tục giấy tờ của cả 2 ngôi trường không giống nhau. Rồi tôi lại nhớ về những buổi học đầu tiên, khi mà tôi cứ muốn khóc vì đọc hoài vẫn không hiểu về những vấn đề mà tác giả muốn nói trong phần tam quyền phân lập của thể chế chính trị Mỹ. Ngày ấy mới sang, tiếng anh tiếng em còn bỡ ngỡ và chưa quen lắm với cách học và nghiên cứu ở bên này, nên tôi thấy choáng váng mỗi khi cầm một cuốn sách dầy cộm trên tay. Tôi khẽ cười, khi bắt gặp lại hình ảnh của mình trong những gam màu đã cũ của những ngày xa xưa ấy. Trong một loạt cảm xúc bồi hồi của buổi sáng thứ hai đầu tuần hôm nay, tôi lại giật mình nhớ về Chị, người đã toàn tâm toàn ý lo lắng và giúp đỡ mọi thủ tục và giấy tờ, từ khi tôi mới hình thành ý định đi sang Mỹ du học cho tới lúc chuyến bay của tôi cất cánh vào một ngày cuối đông năm 2010.
Chị tên Mỹ Dung, là giám đốc điều hành của công ty du học Đại Thiên Sơn. Tôi gặp chị lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2009, lúc ấy gia đình tôi đến Đại Thiên Sơn để nhờ hỗ trợ thủ tục cho người em họ do sự giới thiệu của một người bạn ở Nha Trang. Lúc ấy trụ sở của công ty vẫn còn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Trên đường đi tôi cứ thắc mắc rằng tại sao gia đình tôi không chọn một công ty lớn hơn, nằm ở một con đường sang trọng và bề thế hơn là một con hẻm nhỏ. Lúc ấy cô tôi chỉ nói rằng : “ Địa điểm và bề ngoài không quan trọng bằng cách người ta đã tạo dựng nên một niềm tin cho thương hiệu riêng của họ.” Ngày ấy tôi còn quá xa lạ với ba chữ Đại Thiên Sơn, dù đã sống và đi lại khá nhiều ở Sài Gòn, nhưng đó là lần đầu tiên tôi nghe tới công ty của chị. Mà tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng Đại Thiên Sơn chính là bệ phóng đầu tiên đã đẩy tôi lên đến gần hơn với giấc mơ Mỹ của mình.
Nguyễn Quang Huy tại trường University of Houston
Nửa năm sau, em tôi có được visa Mỹ sau lần phỏng vấn đầu tiên. Tôi ngạc nhiên tới mức không tin vào mắt mình khi nhìn thấy tờ giấy hẹn visa của em. Trường hợp em tôi là một trường hợp cực kì khó, khó từ học lực tới tài chính và cả khả năng ngôn ngữ, vậy mà cuối cùng Đại Thiên Sơn lại giúp cho em ấy thành công ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên. Ấn tượng duy nhất và mạnh mẽ nhất của tôi về chị và Đại Thiên Sơn, mà tới bây giờ, ngay trong bài viết này tôi mới tiết lộ. Đó là sự cố của em tôi đã chọn nhầm trường ở một thành phố khác, ngay sau khi visa đã nằm trên tay. Ngôi trường em sắp học không phải là ngôi trường nằm ở thành phố của gia đình tôi tại Mỹ. Thế là sau khi đã kí bản thanh lý hợp đồng, gia đình tôi lại lặn lội lên Đại Thiên Sơn tìm tới chị trong một mớ hỗn loạn vì chỉ còn hơn 5 ngày nữa em sẽ sang Mỹ. Vậy mà chỉ trong ba ngày cuối tuần, chị Dung và nhân viên của công ty đã sắp xếp chuyển em sang một trung tâm ngôn ngữ khác nằm trong thành phố mà gia đình tôi đang sinh sống. Ấn tượng của tôi về Đại Thiên Sơn không phải nằm ở chỗ nhiệt tình, chuyên nghiệp hay những kĩ xảo phỏng vấn, mà nó là “tinh thần trách nhiệm”. Một khi hồ sơ đã được thanh lý, hai bên không cần thiết phải cung cấp thêm thông tin hay bất kì dịch vụ gì cho bên còn lại. Đó là điều đã quy định rõ trong hợp đồng, nhưng tôi ngạc nhiên với cách làm việc có tình người và trách nhiệm của Đại Thiên Sơn, điều mà tôi chưa từng thấy trong tiền lệ xử lý hợp đồng của những công ty khác mà tôi được học tại trường Luật của mình. Vậy là từ sau đó, tôi thường xuyên liên lạc với chị và Đại Thiên Sơn để hiểu thêm về những câu chuyện của du học sinh, của cuộc sống bên Mỹ và những vấn đề trong buổi phỏng vấn xin visa. Những khách hàng và bạn bè của tôi giới thiệu tới công ty, ai cũng hài lòng với cung cách phục vụ chuyện nghiệp và tư vấn nhiệt tình của nhân viên Đại Thiên Sơn.
Và rồi cuối cùng cũng tới lượt tôi trở thành khách hàng chính thức của chị, khi tôi bắt đầu những giấy tờ cần thiết cho chuyến du học cuối năm 2010 của mình. Vì hai chị em đã quá thân thiết khi tôi trở thành một trong những học sinh mà chị dạy dỗ, nên có vẻ như quá trình luyện tập của hai chúng tôi có phần hơi đặc biệt. Khác với những bạn học sinh đến văn phòng để tập phỏng vấn, tôi không hề có áp lực trước những câu hỏi hay tình huống mà chị đặt ra. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn là người duy nhất mà chị và anh Sơn đã phải hẹn tôi lên vào 9h sáng . . . Chủ nhật để dợt lại lần cuối cùng vì chị thấy vẫn có gì đó chưa ổn trong hồ sơ của tôi. Sau đó, tôi bị từ chối lần đầu tiên do lãnh sự vịn vào việc bố mẹ tôi chưa từng đi du lịch nước ngoài. Chị và tôi đều không bận tâm gì mấy với kết quả ấy vì cả hai đều biết không phải là lý do chủ quan của chúng tôi mà chị là một sự sắp xếp ngẫu nhiên từ Lãnh sự. Tôi tiếp tục vui chơi cho tới lần phỏng vấn tiếp theo vào tuần sau, mọi thứ trong hồ sơ vẫn như cũ không có gì thay đổi, và lần này tôi đã có được visa như chị đã đoán.
Sau đó, chị vẫn thường xuyên liên lạc với tôi để hỏi han dặn dò về vé máy bay, về hành lý mang theo và về những thủ tục nhập học ban đầu. Ngày tôi đi, hai vợ chồng chị ra tiễn tôi thật sớm và ở lại cho tới tận lúc tôi vào bên trong. Chiều ấy, chị diện bộ đầm đen tuyền thật sang và hợp thời, chị cười hí hỏm nói:
“ Ngày em đi, chị phải đẹp để cho em ấn tượng và đừng quên chị”.
Huy chụp hình cùng gia đình trong lễ tốt nghiệp
Khi đang hồi tưởng lại những kỉ niệm của ngày xưa thì cũng đã gần trong ba năm ngày tôi đến Mỹ. Mọi thứ hôm nay chắc hẳn đã khá hơn trước rất nhiều, tôi đã vui và hoan hỉ hơn những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ của chàng du học sinh châu Á ấy. Giờ đây, tôi đã được lái trên một chiếc xe sang trọng đến trường, đã đến được những thành phố nổi tiếng khắp các tiểu bang ở Mỹ tham quan và khám phá, đã được học hỏi và tìm tòi những kiến thức mới mẻ của thế giới tại một ngôi trường có rating khá cao trong tiểu bang. Nhưng chưa bao giờ trong tôi không khắc ghi những đóng góp của chị Dung, người đã đồng hành cùng tôi trong những bước đi đầu tiên để đến được với giấc mơ Mỹ ngày hôm nay của mình.
Đã ba năm kể từ khi bản hợp đồng ngày xưa của tôi được thanh lý, nhưng chị và Đại Thiên Sơn vẫn đều đặn thăm hỏi và liên lạc với tôi, vẫn chia sẻ và buồn vui cùng tôi trong tất cả những câu chuyện ở xứ người. Tôi vẫn thường xuyên nhận những tấm thiệp hay món quà mà chị tự tay chuẩn bị vào mỗi lần sinh nhật hay giáng sinh. Đó là tấm chân tình, là sự quan tâm và là niềm động viên mà chị và Đại Thiên Sơn đã dành cho mình. Và lẽ dĩ nhiên những điều này không hề nằm trong những điều khoản hợp đồng mà năm xưa tôi và chị đã kí kết.
Nhân dịp này, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất của tôi tới chị dung, anh Sơn và tất cả những nhân viên của Đại Thiên Sơn ngày ấy, tới những người đã giúp cho tôi có một sự khởi đầu quá an toàn và chắc chắn. Không tìm được Đại Thiên Sơn, tôi vẫn có thể dễ dàng tìm được một công ty khác để tư vấn và hỗ trơ. Nhưng tôi chắc chắn rằng, sau khi đã kí vào bản thanh lý hợp đồng, họ sẽ không bao giờ làm được những việc mà Đại Thiên Sơn và chị Dung đã và đang dành tặng cho mình.
Từ San Antonio, Texas,
Ngày 6 tháng 11 năm 2013.
Huy Dưa Hấu.